Việt Anh

Báo cáo hội đồng quản trị

08/08/2014 119 lượt xem
A A- A+ []
Để đảm bảo tính trung thực và minh bạch trong quản lý và công khai các số liệu cho các cổ đông, Hội đồng quản trị công ty xin công khai báo cáo này.

BÁO CÁO CỦA HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ
THỰC HIỆN NHIỆM VỤ NHIỆM KỲ 2006 – 2010
ĐỊNH HƯỚNG NHỮNG NĂM TIẾP THEO

I/ VỀ TỔ CHỨC
Khi bắt đầu chuyển sang Công ty cổ phần có 10 Chi nhánh – Xí nghiệp thành viên và 02 Văn phòng đại diện. Các Chi nhánh – Xí nghiệp thành viên là các đơn vị hạch toán phụ thuộc được Công ty giao sử dụng một phần tài sản vốn để thực hiện nhiệm vụ SXKD, có trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn.
1. Qua 5 năm hoạt động, đã có nhiều sự biến đổi trong tổ chức của Công ty phù hợp với nhu cầu của một số đơn vị của Tổng Công ty và của thị trường, cụ thể:
a/ Năm 2007: Chi nhánh – Xí nghiệp Xây lắp 2 xin được tách ra và chuyển thành Công ty cổ phần Đầu tư Xây lắp II. Đây là Công ty liên kết của Công ty cổ phần Xây lắp và SXCN, trong đó CIPC nắm giữ lúc đầu là 36%/VĐL và đến nay là 43%/VĐL.
Qua 4 năm hoạt động Công ty cổ phần Đầu tư Xây lắp II tuy có nhiều cố gắng nhưng do những khó khăn về vốn, về thị trường, về nhân lực nên chưa đẩy mạnh được sản lượng và doanh thu. Phần vốn của CIPC ở đây tuy vẫn được bảo toàn nhưng chưa phát triển, hiệu quả thấp.
b/ Năm 2008: Chi nhánh – Xí nghiệp Vật liệu và Xây lắp Công nghiệp Thanh Hoá được tách và chuyển thành Công ty cổ phần đầu tư và Xây lắp Công nghiệp Thanh Hoá. Vốn điều lệ của Công ty lúc thành lập là 3 tỷ, trong đó CIPC nắm giữ 20%/VĐL.
Là một đơn vị nhỏ thuần xây lắp, đơn vị đã có cố gắng mở rộng phạm vi hoạt động sang sản xuất kinh doanh, dịch vụ, thu hút thêm vốn của một số cổ đông ngoài, nhưng do khó khăn về vốn, thị trường nên hoạt động chưa có hiệu quả. Vừa qua Hội đồng quản trị CIPC đã xem xét và chấp thuận bán phần vốn của CIPC ở đây để thu về đầu tư cho lĩnh vực khác.
c/ Năm 2008: Chi nhánh - Xí nghiệp Xây lắp và KDDV Hải Phòng cũng được tách ra và chuyển đổi thành Công ty cổ phần Xây lắp và KDDV Hải Phòng – CIPC (Hacenco-cipc). Vốn điều lệ khi thành lập là 4 tỷ, CIPC nắm giữ 51%/VĐL.
Là một đơn vị phụ thuộc của CIPC, Công ty cổ phần Xây lắp và KDDV Hải Phòng – CIPC 3 năm qua đã có nhiều cố gắng, có nhiều sự phối hợp với CIPC đã mở thêm ngành nghề sản xuất cơ khí, các năm đều có lãi nhưng mức chia cổ tức còn thấp. Cuối năm 2010 - đầu 2011 do nhu cầu ổn định sản xuất và tập trung đầu mối ở Hải Phòng của VINAINCON, Hội đồng quản trị CIPC đã quyết định nhượng bán toàn bộ phần vốn đầu tư ở Hacenco-cipc. Đến nay Hacenco không còn là Công ty con của CIPC nữa.
d/ Từ khi chưa chuyển sang Công ty cổ phần Công ty đã dự kiến đầu tư một nhà máy sản xuất vỏ bao xi măng cung cấp cho nhà máy Xi măng Quang Sơn do VINAINCON làm chủ đầu tư. Trong năm 2008, 2009 phương án này đã được triển khai đầu tư và khi chuẩn bị hoàn thành đã tiến hành cổ phần hoá, hiện CIPC nắm giữ 38%/VĐL.
Từ khi bước vào sản xuất đến nay, dây chuyền sản xuất vỏ bao hoạt động tốt đạt cả về chất lượng cung như sản lượng, tuy nhiên do tình hình giá cả có nhiều biến động không thuận, thị trường còn hạn chế nên sản lượng đạt thấp, lợi nhuận không có. Hiện Công ty đang cố gắng mở rộng thị trường và đa dạng hoá sản phẩm.
e/ Năm 2009 Công ty đã đầu tư một phần vốn khá lớn và là cổ đông sáng lập thành lập Công ty cổ phần Bê tông ly tâm VINAINCON với giá trị 8 tỷ đồng tương đương 20%/VĐL.
Trong số các đơn vị liên kết, đây là đơn vị làm ăn có hiệu quả nhất. Tuy bắt đầu chính thức đi vào hoạt động từ giữa năm 2010 nhưng cổ tức của năm 2010 dự kiến chia đạt 5%/VĐL.
f/ Gần đây nhất Công ty đã đầu tư vốn vào Tổng Công ty CP Xây dựng Công nghiệp Việt Nam, giá trị: 2.180 triệu đồng.
2. Trong quá trình SXKD ngoài việc tham gia đầu tư vốn vào các Công ty liên kết, Công ty đã ổn định và điều chỉnh một số bộ phận trong nội bộ Công ty, cụ thể:
a/ Đã giải thể Chi nhánh – Xí nghiệp Xây lắp và sản xuất sản phẩm kim loại tại Đức Giang, lúc đầu giao cho Chi nhánh – Xí nghiệp Xây lắp 1 nhưng không có hiệu quả, hiện nay chuyển giao cho Chi nhánh – Xí nghiệp Xây lắp và Khảo sát Công trình tiếp quản. Đến nay đã được Công ty đầu tư mở rộng nhà xưởng và đầu tư các thiết bị nâng cao năng lực sản xuất và đã đi vào sản xuất ổn định.
b/ Đã sáp nhập Chi nhánh – Xí nghiệp Xây lắp 1 và Chi nhánh – Xí nghiệp Xây lắp và thi công cơ gới, thành Chi nhánh – Xí nghiệp Xây lắp và Thi công cơ giới. Thời gian đầu đơn vị mới cũng gặp nhiều khó khăn nhưng từ năm 2010 trở lại đây đơn vị đã củng cố ổn định tổ chức, mở rộng thị trường, giá trị sản lượng và doanh thu đạt cao.
c/ Đã sáp nhập Chi nhánh – Xí nghiệp Xây lắp 7 vào Cơ quan Công ty và thành lập Văn phòng đại diện Công ty tại Quảng Ninh. Hiện bộ phận này còn duy trì một số đội hoạt động trong lĩnh vực xây lắp.
d/ Do sự lớn mạnh phát triển của Chi nhánh – Xí nghiệp Xây lắp 3 và đặc biệt là ở khu vực Hà Tĩnh, Công ty đã tách bộ phận ở đây ra khỏi Xí nghiệp Xây lắp 3 và thành lập Chi nhánh CIPC số 5. Đây là đơn vị mới hình thành tuy còn nhiều khó khăn và thiếu thốn nhưng bộ máy lãnh đạo, các đội đoàn kết, làm công tác thị trường tốt nên sản lượng, doanh thu ngay từ thời gian đầu đã đạt cao. Đây là đơn vị có tiềm năng và điều kiện phát triển tốt.
Ở khối phòng ban cơ quan Công ty công tác sắp xếp lại tổ chức cũng được tiến hành cho gọn nhẹ hơn. Như vậy cho đến nay tổ chức của Công ty đã gọn nhẹ hơn, chỉ còn 5 đơn vị phụ thuộc và 2 Văn phòng đại diện, việc kiểm tra kiểm soát được nhanh hơn. Tuy nhiên đối với các Công ty liên kết mà Công ty đã đầu tư vốn thì hiệu quả mang lại còn rất thấp, chỉ có 1 trong 5 đơn vị là bước đầu có lãi. Điều này đặt ra cho HĐQT và Ban lãnh đạo vấn đề cần xem xét kỹ khi đầu tư và khả năng thoái vôn.
II/ CÔNG TÁC VỐN VÀ BẢO TOÀN VỐN:
 Có thể đánh giá sau 5 năm hoạt động vốn của Công ty cp Xây lắp và SXCN đã được bảo toàn và phát triển, ngoài số vốn giao cho các đơn vị trực thuộc quản lý và kinh doanh (cả vốn cố định và vốn lưu động) Công ty đang quản lý toàn bộ số vốn còn lại.
 Số vốn mà Công ty đã đầu tư vào các Công ty liên kết là 17.919 triệu đồng, gồm:
- Công ty CP Đầu tư Xây lắp II: 2.939.000.000đ
- Công ty CP Đầu tư và XLCN Thanh Hoá: 600.000.000đ
- Công ty CP Bao bì Sông Công: 4.200.000.000đ
- Công ty CP Bê tông ly tâm VINAINCON: 8.000.000.000đ
- Tổng Công ty CP XDCN Việt Nam: 2.180.000.000đ
Cuối năm 2010 Công ty đã tiến hành tăng vốn điều lệ.  Trong điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng nhờ gây dựng được niềm tin, các cổ đông trong Công ty đã mua với khối lượng lớn và đến nay vốn điều lệ của Công ty đã đạt 45.450.000.000đ. Đây là một thắng lợi và là điều kiện thuận lợi để Công ty có nguồn tiền để sử dụng vào các chương trình đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh.
III/ ĐỊNH HƯỚNG VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CÔNG TY TRONG NHỮNG NĂM TỚI:
Trong những năm trước mắt hoạt động SXKD của Công ty vẫn chủ yếu tập trung vào lĩnh vực xây lắp công nghiệp và dân dụng nhưng vấn đề là phải nâng cao hơn nữa chất lượng quản lý điều hành, tránh thất thoát và có hiệu quả cao hơn, cần đầu tư thêm để nâng cao chất lượng thiết bị và dụng cụ xây lắp. Nếu như các năm trước hiệu quả xây lắp chỉ xoay quanh 1 đến 1,2% thì tới đây phấn đấu đạt ở mức 1,5 đến 2% doanh thu.
 Tuy nhiên Công ty xác định đây chỉ là lĩnh vực tạo sự ổn định lâu dài, còn để có bước phát triển đột phá nâng doanh thu từ mức xấp xỉ 500 tỷ như hiện nay lên mức 1.000 tỷ Công ty cần mở rộng sang một số lĩnh vực khác như đầu tư bất động sản hoặc tham gia đầu tư vốn vào một số Công ty khác có điều kiện và khả năng làm ăn hiệu quả hơn.
 Trên tất cả là vấn đề con người, trong thời gian tới chúng ta cần bổ sung nguồn nhân lực mới, nâng cấp trình độ quản lý, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của kế hoạch SXKD.
IV/ ĐÁNH GIÁ VỀ TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG CỦA HĐQT CÔNG TY:
Hội đồng quản trị của Công ty gồm 5 thành viên được bầu ra tại ĐHĐCĐ thành lập năm 2006, từ đó đến nay không có sự thay đổi nào. Tất cả các thành viên HĐQT đều là những người nắm giữ các vị trí chủ chốt trong Tổng Công ty, Công ty và Công ty liên kết nên có sự đồng thuận cao khi bàn và đưa ra các nghị quyết về tất cả mọi vấn đề.
 Hội đồng quản trị họp thường kỳ mỗi quý một lần, ngoài ra giữa các kỳ do yêu cầu của Công việc HĐQT dùng hình thức lấy phiếu xin ý kiến của các thành viên. Nếu không có sự bất đồng nào thì được chấp thuận là nghị quyết của HĐQT.
 Trong 5 năm qua HĐQT đã chỉ đạo và tổ chức 4 kỳ đại hội đồng cổ đông, trong đó có Đại hội đồng cổ đông thành lập năm 2006, Đại hội đồng cổ đông thường niên các năm 2007, 2008, 2009, 2010, cuối năm 2010 do nhu cầu tăng gấp vốn điều lệ HĐQT đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường.
 Do phần lớn các cổ đông của Công ty là CBCNV của Công ty và nay là một số Công ty liên kết nên các kỳ Đại hội đều tiến hành thuận lợi, đạt kết quả tốt, Nghị quyết của các kỳ đại hội đều được thông qua với sự đồng thuận cao của các cổ đông.
 Có thể đánh giá tổng quát rằng trong 5 năm qua HĐQT Công ty đã hoàn thành sứ mạng mà Đại hội đồng cổ đông và toàn thể các cổ đông giao phó. Ở kỳ đại hội đồng cổ đông lần này HĐQT sẽ được đổi mới, sẽ được trẻ hoá và chúng ta tin rằng HĐQT mới sẽ gánh vác trọng trách, nhiệm vụ to lớn đưa Công ty ngày càng phát triển trong thời gian tới.
 Xin trân trọng cảm ơn!

                  

 TM. HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ
 CHỦ TỊCH
 PHẠM VĂM LÂM  (Đã ký)